Vì sao ăn mặn gây tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ?

Ở nước ta, thói quen ăn mặn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp. Điều đáng nói, căn bệnh này thường diễn biến âm thầm và không có dấu hiệu cảnh báo trước, nhưng nó có thể dẫn đến đột quỵ bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.

Ăn mặn tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ: Mối liên quan mật thiết gây nhiều tác hại nguy hiểm

“Ăn mặn” là thuật ngữ đề cập đến việc một người ăn quá nhiều muối trong một ngày. Theo kết quả Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm toàn quốc ở đối tượng 16 – 69 tuổi công bố mới nhất cho biết, trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối/ngày, cao gần gấp đôi so với ngưỡng khuyến nghị là dưới 5 gam muối/ngày. Và chế độ ăn “thừa” muối chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, đột quỵ và các bệnh tim mạch.

ăn mặn làm tăng huyết áp

Tuy muối có chứa khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng nếu quá “lạm dụng” có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Theo đó, cơ chế chính của hiện tượng ăn mặn tăng huyết áp, đột quỵ có liên quan đến nồng độ ion natri (Na+) trong muối. Cụ thể:

Thứ nhất, việc dung nạp lượng lớn muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Vì thế, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, dẫn tới tăng thể tích máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp.

Trong khi đó, thể tích tuần hoàn tăng lên buộc tim phải hoạt động mạnh hơn nhằm bơm lượng lớn máu vào các mạch máu. Việc gây áp lực lên mạch máu diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến phì đại tâm thất trái, hoặc mở rộng mô cơ. Từ đó nguy cơ bị đột quỵ, đau tim hay suy tim cũng tăng lên.

Thứ hai, tình trạng ăn mặn tăng huyết áp khởi phát do: quá nhiều muối trong cơ thể khiến các loại thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu kém tác dụng. Hệ quả là huyết áp tăng lên, kéo theo cường độ làm việc của hệ tim mạch, thận và hệ tiết niệu cũng tăng, từ đó dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan này như suy tim, suy thận.

Thứ ba, việc ăn mặn cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng khả năng tái hấp thu natri ở ống thận. Khi đó, lượng lớn ion Na+ đi vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp. 

Ngoài ra, muối cũng là tác nhân làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim mạch và thận đối với Adrenaline – một chất có khả năng làm huyết áp tăng cao.

ăn mặn có nguy cơ cao bị mắc các bệnh tim mạch

Những người thường xuyên ăn mặn, tăng huyết áp có nguy cơ mắc tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, tử vong do đột quỵ cao hơn so với người ăn uống khoa học, huyết áp bình thường.

Có thể nói, thói quen ăn nhiều muối trong thời gian dài không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kể trên, mà còn gây ra một số tác hại như rối loạn thính lực, giảm trí nhớ, rối loạn chức năng tình dục, sưng phù bàn tay, bàn chân, tích mỡ thừa… Chính vì vậy, việc giảm ăn mặn là giải pháp tốt nhất giúp phòng tránh tăng huyết áp và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bí quyết giảm ăn mặn để kiểm soát huyết áp hiệu quả

Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp ngăn chặn tình trạng ăn mặn tăng huyết áp diễn ra, đồng thời giảm lượng muối ăn vào cơ thể:

Tính toán lượng muối nạp vào cơ thể hàng ngày

Cách tính toán lượng muối tiêu thụ tùy thuộc vào từng độ tuổi. Cụ thể, ở người lớn và trẻ từ 3 tuổi trở lên nên tiêu thụ ít hơn 5g (chỉ dưới một thìa cà phê) muối mỗi ngày; với trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được WHO khuyến cáo dưới 1,5g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3g muối.

Để các chị em nội trợ dễ dàng hơn trong việc nêm nếm, Viện Dinh dưỡng quốc gia có hướng dẫn quy đổi: 5g muối ăn tương đương 35g xì dầu (7 thìa cà phê); 8g bột canh (hơn 1,5 thìa cà phê); 11g hạt nêm (hơn 2 thìa cà phê) và 26g nước mắm (hơn 5 thìa canh).

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối

Tiêu thụ mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, mắm tôm, dưa cà muối, thịt hun khói, cá mắm… hoặc các món cần nêm nhiều gia vị trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang là những thói quen cần hạn chế. Thay vào đó, hãy tăng cường ăn các thực phẩm tươi tự nhiên và thường xuyên chế biến món luộc, hấp để giảm lượng muối ăn hàng ngày.

bí quyết giảm mặn là hạn chế chọn thực phẩm chế biến sẵn

Bằng cách đọc hàm lượng muối in trên nhãn, bạn cũng có thể kiểm soát muối nạp vào cơ thể khi mua thực phẩm chế biến sẵn.

Ưu tiên lựa chọn gia vị giảm mặn

Để gia giảm độ mặn của nước chấm, bột canh, mì chính… đa phần mọi người thường pha loãng hoặc phối hợp với các loại gia vị khác như chanh, tỏi, ớt nhằm tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi. Song, hiện nay người dùng có thể lựa chọn sử dụng nước mắm giảm mặn để tránh việc dung nạp thừa muối, giảm nguy cơ tăng huyết áp. Đồng thời đây cũng là cách giúp các chị em nội trợ thoải mái hơn nêm nếm, nấu nướng mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, với những người có tiền sử cao huyết áp cần theo dõi huyết áp mỗi ngày tại nhà, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, kèm thay đổi chế độ ăn uống, vận động phù hợp giúp ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Bài viết trên đã giải đáp cho bạn thắc mắc tại sao ăn mặn tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ, cũng như chia sẻ những bí quyết giảm ăn mặn tại nhà. Hãy thực hiện theo thông điệp của Bộ Y tế “Cho bớt muối – Chấm nhẹ tay – Giảm đồ ăn mặn” để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nhé!

>>> Xem thêm:

Bài cùng chuyên mục