Trong vô vàn món ngon của ẩm thực Việt Nam, củ kiệu ngâm mắm đường tuy chỉ là món ăn phụ nhưng hương vị nó mang lại là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế khi vị ngọt của mắm đường kết hợp với sự giòn cộng chút hăng của củ kiệu tạo nên cảm nhận vị giác độc đáo nơi đầu lưỡi. Hãy cùng tìm hiểu công thức làm củ kiệu ngâm mắm đường ngon chuẩn vị nhé!
Mục lục
Nguyên liệu
Củ kiệu
Kiệu nên chọn những củ có phần thân nở, rễ nhiều, lá mảnh, eo thon và đuôi nối liền thân, có vị hăng nồng. Nếu muốn đĩa kiệu bày ra đẹp mắt hơn thì nên chọn củ kiệu có kích thước vừa phải đồng đều nhau. Tránh chọn mua những củ kiệu có phần thân bị mềm, trầy xước hay dập nát. Tốt nhất nên chọn kiệu mới thu hoạch để có hương vị tươi ngon nhất.
Cà rốt
Cà rốt chỉ làm tăng màu sắc cho món kiệu ngâm thêm bắt mắt chứ không hề ảnh hưởng đến hương vị nên bạn có thể thêm hoặc không. Nhưng nếu đã thêm cà rốt vào món kiệu ngâm thì nên chọn cà rốt tươi chắc, màu sắc đậm, tránh chọn những củ bị dập úng, héo, sâu hoặc chưa chín,…
Gia vị
Những loại gia vị này đều có sẵn trong bếp của mọi gia đình, bạn cần chuẩn bị:
- Giấm: để kiệu giòn và thơm hơn thì nên dùng giấm nuôi (nếu có). Giấm sẽ tạo vị chua và độ giòn cho món kiệu thêm hấp dẫn.
- Nước mắm: Vì nước mắm là loại gia vị chính trong món kiệu ngâm mắm đường nên cần chọn loại nước mắm ngon, đảm bảo an toàn và chất lượng, không pha lẫn tạp chất hoặc chất phụ gia.
- Đường: Sử dụng đường thốt nốt để tạo mắm đường có độ ngọt vừa đủ, nếu không có thì dùng đường cát vẫn được.
- Muối được dùng cho 2 mục đích: vừa ngâm kiệu để giảm bớt mùi hăng, vừa là gia vị tạo độ mặn và giữ cho củ kiệu giòn ngon.
Cách làm củ kiệu ngâm mắm đường
Làm sạch nguyên liệu
Sau khi mua kiệu về cần sửa sạch bùn đất, đặc biệt là ở phần rễ. Cắt gốc và lá kiệu, bóc vỏ ngoài và chỉ lấy phần củ trắng. Khi cắt kiệu không được cắt phạm vào củ quá nhiều sẽ khiến nước ngấm vào kiệu quá nhiều khiến kiệu mất độ giòn và thậm chí dễ bị úng.
Một bước quan trọng để loại bỏ mùi hăng của kiệu là ngâm chúng vào nước muối loãng sau khi làm sạch. Ngâm kiệu trong nước muối 8-12 tiếng (qua đêm) sẽ giúp kiệu giảm độ hăng đáng kể, thậm chí là mất hoàn toàn mùi hăng.
Cà rốt thì chỉ cần cạo vỏ, rửa sạch, cắt miếng hoặc tạo hình tùy thích rồi ngâm với nước muối khoảng 10 phút rồi rửa lại bằng nước sạch là được.
Phơi củ kiệu
Kiệu sau khi ngâm nước muối đủ lâu sẽ được vớt ra, rửa lại với nước sạch rồi mang đi phơi nắng. Kiệu chỉ nên phơi nắng nhẹ trong 1 ngày, đến khi săn lại là được. Không nên phơi nắng gắt hoặc phơi quá lâu vì sẽ làm kiệu bị héo, không còn độ giòn và mất mùi thơm.
Pha mắm đường
Cho những loại gia vị đã chuẩn bị gồm nước mắm, đường, giấm, muối vào nồi và đun sôi cho đường tan hoàn toàn. Để món kiệu ngâm ngon và đậm đà hơn, sau khi mắm sôi nên vặn nhỏ cho lửa liu riu đến khi mắm hơi quẹo lại thì kiệu sẽ đậm vị và thơm ngon hơn.
Ngâm củ kiệu
Bước còn lại bạn chỉ cần xếp kiệu vào hũ thủy tinh đã được rửa và tráng bằng nước sôi để diệt khuẩn. Sau đó đổ mắm đường đã nguội vào sao cho ngập lớp kiệu trên cùng. Đậy kín và để ở nơi khô thoáng khoảng 3-5 ngày là có thể thưởng thức rồi.
Thành phẩm
Củ kiệu ngâm mắm đường đạt chuẩn sẽ có màu trắng bắt mắt với lớp vỏ ngoài bóng mượt, đậm mùi thơm của mắm đường, vị hài hòa vị chua mặn ngọt cùng chút vị hăng còn lại của củ kiệu tạo nên mùi vị đặc trưng ngon khó tả.
Món này có thể ăn kèm với những món mặn, đặc biệt vào ngày tết người ta thường ăn kèm bánh chưng, bánh tét, thịt kho,… hoặc nhậu cùng tôm khô. Tuy chỉ là món ăn kèm nhưng mâm cơm ngày tết không thể thiếu đĩa kiệu ngâm mắm.
Vậy là món củ kiệu ngâm mắm đường truyền thống đã hoàn thành. Với công thức siêu dễ như trên, hy vọng bạn sẽ thành công làm được một hũ kiệu ngâm ngon như ngoài hàng. Hãy bắt tay vào làm thôi nào!
>> Tham khảo: https://mamnamngu.com/cach-lam-cu-kieu-ngam-nuoc-mam-duong-don-gian-tai-nha.html